Hài chè ( trà ) shan tuyết suối giàng

***Phần 2: Hái chè shan tuyết - Xem lại phần 1 trà tuyết là gì tại đây!.***

 

Người Trung Hoa rất tự hào về 18 cây trà cổ thụ bên miếu Hồ Công từng được vua Càn Long ngự phong là Hoàng trà, chuyên dùng tiến cung, ít ai biết ở Việt Nam ta nơi tận cùng của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ hay cheo leo trên đỉnh Tây Côn Lĩnh,… có những cây trà cổ thụ bạc phếch màu thời gian, đã đứng vững trãi trường tồn cùng dân tộc hàng trăm năm qua.

 “ Cao sơn xuất hảo trà!”

Những cây chè shan tuyết có từ bao giờ?

 

Những cây trà cổ thụ sống trên núi cao chắt chiu chất đất, thấm hương của trời, trải qua năm tháng tắm mưa trải gió, dồn hết tinh túy trong từng búp trà non tơ mỡ màng. Ở vùng Suối Giàng, trước khi người Mông tới đây định cư ( Người Mông vốn có cuộc sống du canh du cư) thì những cây chè đã mọc ở đây từ rất lâu rồi. Bởi vậy, ngay cả các cụ cao niên, già làng, trưởng bản cũng không biết rõ cây chè có từ bao giờ.

Các lão trà đứng hiên ngang cao hàng 5, 6 thước, dáng như rồng bay, giang rộng tán lá sum suê như cây Đa, cây Đề ở miền xuôi vậy. Có một điều rất đặc biệt, mặc dù giống trà shan tuyết cổ thụ lá to, dày nhưng luôn luôn mọc hướng lên trên. Vào độ xuân sang, khi nắng ấm, mưa nhuần, chồi non tua tủa, cả rừng trà cổ hiện lên lung linh sống động như một bức tranh thủy mặc, chỉ hai màu xanh-trắng ( tranh thủy mặc có 2 gam màu là đen trắng hoặc xanh-trắng tượng trưng cho Âm-Dương) mà huyền ảo, lay động, đẹp đến nao lòng.

Có điều, dù người họa sĩ tài hoa, tột bậc đến đâu, dẫu vẽ chân thực như nào cũng không bút nào điểm được tiếng chim lích chích bắt sâu, âm thanh của gió núi vang động và mùi hương nhè nhẹ, thanh thanh, vừa mơn man da thịt, vừa khơi gợi cơn thèm thuồng của kẻ nghiện trà trông cảnh mà…muốn uống liền. Lúc ấy chỉ muốn bứt một nắm lá vò nát, đun sôi và uống liền-cách uống nước chè xanh từ bao đời đến giờ vẫn thấy ngon.

Rừng trà shan tuyết suối giàng

Nhưng đừng vội vàng, thưởng trà phải thật chậm dãi mới thấu hết được cái: sắc, hương, vị của nó và còn 1 đặc điểm nữa, vì là chè hoang nên các cây chè rất lắm… sâu róm, có khi có cả ổ rắn trên cây nữa. Người hái trà vì thế phải thật cẩn thận. Người hái thường là các cô sơn nữ H’mông, cổ đeo vòng bạc, mắt sắc như rau răm, với nụ cười hồn nhiên, vô tư, trong trẻo trên đôi má phúng phính phơn phớt hồng. Muốn có trà ngon phải lựa búp thật kỹ, vì vậy nên phải chèo hẳn lên cây để hái. Một năm chỉ có 4 vụ chè, mỗi mùa lại cho hương-vị khác nhau. Nhưng đa số đều ca ngợi trà xuân. Cũng dễ hiểu, trà xuân cánh nhỏ, đẹp, nhưng thưởng thức trà thì mỗi người mỗi gu, khó lòng so sánh. Trước khi hái trà, cụ già làng làm mâm lễ cúng cây chè tổ ( Hiện nay, cụ chè tổ đã chết). Đây là nét văn hóa tốt đẹp không chỉ cầu cho quốc thái dân an mà còn thể hiện sự giao hòa giữa con người-trời đất vì trong tín ngưỡng (tâm thức) của đồng bào, tự nhiên cũng giống 1 cơ thể sống, có tâm hồn, có tri giác (vạn vật hữu linh). Sau nghi thức cúng lễ, những cô gái Mèo mới bắt đầu công việc hái trà.

Thôn nữ hái trà shan tuyết suối giàng

“Trà shan tuyết Suối Giàng, không phải tay cô gái bản Mèo, không thể hái được.”

Cách Hái Và Sàng Lọc Trà Shan Tuyết Thượng Phẩm:

 

Khác với trà trồng vùng trung du hay được quy hoạch thành đồn điền, thành thửa, thứ trà shan tuyết cổ thụ cao lớn, vòng thân có khi 2 người ôm không hết, phải chèo lên ngọn cây để hái chè. Cành chè tuy dẻo dai nhưng mềm, búp chè tươi, ngon nhất vươn mình đón nhiều ánh sáng thường ở nơi đằng ngọn vì vậy cần một bàn tay khéo léo, đôi chân dẻo dai và thân hình cân đối vừa phải mới có thể hái được.

Cánh trà shan tuyết suối giàng

Trà shan tuyết thượng phẩm được hái theo chuẩn 1 tôm duy nhất. Cũng 1 búp ấy lại được chia làm 4 cấp khác nhau theo thời gian: đinh ngọc, kỳ thương, lưỡi sẻ và ngạnh phiến. Trà đinh thường chỉ có ở mùa xuân, cánh trà nhỏ nhắn và nhọn nên gọi là đinh ngọc hay tên khác là tâm sen. Loại búp này cánh đẹp, đều, pha ra cho hương thanh nhẹ, nhưng vị trà quá yếu. Chỉ có dân chơi trà lâu năm, tiền bạc và khẩu vị tinh tế mới dám lấy  “Ngàn vàng đổi một trận cười như không”mà thôi.

Các cấp độ của trà tuyết tôi đã dùng đủ qua, và giống như đại đa số người thưởng trà khác thường chọn loại búp lưỡi sẻ. Lúc này, hương thơm đượm hơn, hậu vị sâu lắng hơn và khi pha ra búp trà nở bung ra thành hình lưỡi sẻ, cũng có vị trà nhân nọ, nhìn cánh trà mà liên tưởng tới thanh đại đao của Mạc Thái Tổ, cũng là một cách ví von hay.

Nhưng thôi, chúng ta lại tiếp tục với công việc hái trà nào, còn phần thưởng thức trà để chương sau sẽ nói kỹ hơn.

Trích: “Ký Sự Suối Giàng”

Ninh Xuân Quỳnh