Yên hương thu sắc địch vị trà lam

Thật thiếu sót nếu chỉ ca ngợi vị trà lam mà quên mất hương thơm, màu sắc của trà.

Trà lam là sự kết hợp hài hòa của:

“Yên Hương, Thu Sắc, Địch Vị.”

Hương như mây khói, sắc nước như nắng mùa thu, hậu vị như tiếng tiêu tiếng trúc.

Yên hương thu sắc địch vị trà lam

Người thưởng trà lấy nước trong suối nguồn hoặc từ ống tre nứa trong rừng, đun bằng củi khô tới khi nước sôi từ 95-100 độ để pha trà. Trà sau một thời gian dài tinh luyện của nghệ nhân, hấp hương khói bếp nên gắn chặt thành hình khối, cứng rắn, phải lấy dao nhọn hay dùi để nghiền nhỏ. Lấy một chút trà đã nghiền nhỏ bỏ vào ấm, rót chút nước sôi vào. Chao ôi, hương trà đã thoảng bay lên! Một mùi vị kì lạ, vừa thân quen, vừa xa xăm khiến cho lòng người nôn nao một cảm giác khó tả. Vâng đó là mùi khói bếp. Hương khói bếp, sắc vàng như nắng mùa thu, thấy tâm hồn vừa dân dã, mộc mạc và bình yên đến lạ!

Thưởng thức Trà Lam:

Nhấp một ngụm trà, hương khói càng đậm hơn, vị đắng ngắt. Bình tâm thưởng thức trà, không còn thấy vị đắng nữa mà chỉ thấy ngòn ngọt nơi cổ và một cảm giác sảng khoái như muốn bay lên trên tầng không vậy!

Uống cạn đến 5 cấp nước, thấu triệt hương-vị-sắc trà, mới thầm cảm phục những người làm ra thứ trà tuyệt hảo này. Trà lam, đó là cả 1 công trình nghệ thuật, không phô trương nhưng vẫn rất cầu kỳ! Và, không phải người dân Việt Nam, không phải người yêu trà đích thực, không thể làm và thưởng thức hết được vị trà lam- vị của quê hương!

Một chén Trà Lam nặng nghĩa tình.

Kính mời Trà Hữu tỏ tâm minh.

Hai tay nâng chén lòng Buông nhẹ.

Mở cửa ngập tràn ánh bình minh

( Thơ của Trần Như Tệ Sỹ)

Trà Lam là đặc sản duy nhất và độc đáo nhất chỉ có ở Việt Nam.

Nếu ai muốn lạc vào cảnh giới của Nho- Phật- Đạo, hãy tìm tới trà đạo Nhật Bản, yêu vẻ đẹp của hội họa hãy đến với trà hoa viên Trung Hoa còn muốn lắng nghe những rung động của âm nhạc, hãy thưởng thức trà lam Việt Nam.

Nhưng thứ âm nhạc của trà lam không phải là âm nhạc thường thức của âm thanh mà đó là tiếng nhạc lòng của cung bậc cảm xúc khi thưởng trà.

Những nghệ nhân trà sau khi uống trà lam thường ví von trà lam giống như âm giai ngũ cung qua 5 cấp độ nước:

Cấp 1: vị đậm, đắng, hương nồng.

Cấp 2: ngọt hậu

Cấp 3: chỉ 1 chữ “Tuyệt”.

Cấp 4, cấp 5: trà lạt dần nhưng hương, vị vẫn còn vương vấn!

Có lẽ, đó là lý do tại sao trà lam còn được người đời ban tặng cho tên gọi Ngọc Địch Trà!