Truyền thuyết bí ẩn trà shan tuyết

Dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ chứa đựng những bí ẩn về chè Tuyết 

Những cây trà shan tuyết mọc hoang dã, đã sống hàng 300- 400 trăm năm tuổi trên các đỉnh núi Hoàng Liên Sơn, Tây Côn Lĩnh tại vùng Tây Bắc vẫn là một điều bí ẩn với nhiều người ngay cả giới khoa học.

Cây trà mọc tự nhiên hay ai đã trồng nó rồi… bỏ quên, mặc cho thời gian, năm tháng phủ rêu trắng mốc trên thân cây trà cổ thụ xù xì vài người ôm?

Đem câu hỏi ấy đi tìm lời giải đáp nhưng đa số đều lắc đầu chỉ có một già làng ở bản Giàng B ( Suối Giàng- Yên Bái), lục lại trong tiềm thức và kể lại một câu chuyện đầy kỳ lạ về nguồn gốc của trà tuyết.

Thuở ấy, đã lâu lắm rồi, người Mông vẫn còn cuộc sống du canh du cư, đói nghèo và khổ đau. Trên những cuộc viễn du không ngày mai ấy, nhiều người đã gục xuống và mãi mãi ko thể tiếp tục hành trình gian khổ được.

Người Thái lội suối bắt cá, người Mông quen với non cao vòi vọi. Họ cứ đi, đi mãi, đi khắp các núi này tới non nọ để tìm vùng đất hứa định cư. Cái đói, cái nghèo và cả ...cái chết vẫn cứ đeo đuổi họ.

Cây trà shan tuyết 300 năm tuổi

Một lần nọ, đoàn người di cư tới đỉnh núi nọ, nơi đây phong cảnh trù phú, cây lá tốt tươi, suối chảy róc rách, và tiếng chim hót lảnh lót trong những khóm cây xanh mướt nghe rất vui tai. “Đất lành chim đậu”, đoàn người di cư nghe tiếng chim ngân vang cũng thấy rộn rã trong lòng. Nhưng cơn đói lại ập đến. Những đứa trẻ không chịu được khóc ran. Người mẹ tháo cái gùi, chỉ còn một chút mèn mén dành dụm ít ỏi cho con ăn để xoa dịu cái bao tử đang réo lên từng hồi. Lũ trẻ ăn xong, với bản tính hồn nhiên, nghịch ngợm, chốc lát quên đi cái vất vả, dẫn lũ gia xúc đi uống nước để người lớn bàn chuyện.

Đàn gia súc uống nước xong và ngốn luôn thứ lá cây xanh để ăn. Chúng ăn rất nhiều, phe phẩy cái đuôi thích chí. Vài con non nhảy quẩng lên nom đến là khỏe mạnh. Mấy đứa trẻ thì dùng lá cây làm đàn môi thổi. Không gian thật thanh bình, yên ả.

Tất cả mọi hoạt động đều không qua nổi con mắt tinh tường của trưởng bản. Ông lấy làm lạ vì lũ gia súc ăn lá cây trở nên khỏe phi thường bèn ngắt mấy lá vò nát. Một mùi thơm mát thoang thoảng đưa lên. Người trưởng bản thấy mình khỏe hẳn ra. “ Đúng là lá cây thần kỳ!”

Ông thốt lên và quyết định chọn mảnh đất lành làm nơi định cư cho cả bản. Lá cây kỳ lạ ấy chính là lá chè shan tuyết và nơi đất lành chim đậu mang tên Suối Giàng nay chính là xã Suối Giàng bây giờ. ( Suối Giàng theo tiếng Hmong nghĩa là "suối Trời").

Có điều, với người Mông, cây chè shan tuyết được dùng như một loại thảo dược. Còn trà shan tuyết trở thành một thượng phẩm như bây giờ thì đó lại là 1 câu chuyện dài khác xin hẹn sau này sẽ kể cho các bạn ở một chương khác.

Tái bút:

Thực ra, sau này có dịp đi và tìm hiểu nhiều nơi, tôi đã có một số thông tin rất hữu ích về nguồn gốc trà tuyết trong đó có một giả thiết khá trùng hợp với câu chuyện trên nhưng cũng rất hợp lý đó là:

Trà shan tuyết ở một số vùng của Tây Bắc thường mọc hoang trên các dãy núi cao, hùng vĩ như Hoàng Liên Sơn, Tây Côn Lĩnh ở Việt Nam là do loài chim ăn hạt di cư và hoặc theo dòng chảy của nước sông trôi từ thượng nguồn nơi khác đến. Còn người Mông ở Suối Giàng với tập tục du canh du cư cũng chỉ mới định cư ở nơi đây chưa lâu vì thế câu chuyện của già làng tôi vừa thuật lại phía trên rất có cơ sở.

Trích: “Ký Sự Suối Giàng”

Ninh Xuân Quỳnh